• Điện thoại: 08 98 130 146

LỊCH SỬ TRIỂN KHAI STEAM TẠI MỸ

11/07/2022, 05:19 PM

Là một trong số các phương pháp giáo dục mang tính đột phá của thế kỷ 21, STEAM mang đến một trải nghiệm học tập hoàn toàn mới, tăng khả năng tư duy, sáng tạo cho trẻ. Được xem là một trong số các phương pháp mới, tuy nhiên STEAM đã có một chiều dài lịch sử bắt đầu từ khá sớm ở Mỹ.  

STEAM Bắt nguồn từ đâu?

STEAM là một biến thể của STEM. Giáo dục STEM khởi nguồn từ nước Mỹ những năm 1990, tổ chức Giáo dục Khoa học quốc gia Mỹ - Next Generation Science Standards (NGSS) cũng đã đưa ra những tiêu chuẩn, hướng dẫn nhằm định hình và phát triển khung chương trình dạy học STEM cho các khối lớp từ mẫu giáo đến đại học (Sanders, 2008).

Đầu những năm 2000, các nghiên cứu thống kê tại Mỹ cho thấy thành tích về khoa học và toán của sinh viên Mỹ thấp hơn các nước khác (National Center for Education Statistics, 2009); số lượng sinh viên trong các ngành STEM ngày một giảm, đặc biệt là nữ nhưng nhu cầu việc làm và thu nhập từ các ngành đó lại có xu hướng tăng cao (Kuenzi, 2008); những dự đoán về hậu quả khốc liệt khi Mỹ không có sức cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu do lực lượng lao động yếu kém về Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ (Rising Above the Gathering Storm, 2015)

Tổng thống Barack Obama (2009) đã tuyên bố về Đổi mới giáo dục Mỹ:

"Hãy tái khẳng định và làm mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Mỹ đối với các phát minh khoa học và công nghệ trên thế giới. Hãy xem giáo dục STEM là ưu tiên hàng đầu trong thập niên tới”.

Sáng kiến này nêu rõ sự cần thiết phải tập trung có chủ ý hơn vào các môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) trong chương trình giáo dục từ mẫu giáo đến lớp 12, trọng tâm là tạo ra những người lao động có khả năng sử dụng thành thạo và tạo ra các công nghệ mới trong tương lai.

Cũng từ đây các kỹ năng thế kỷ XXI đã được xác định bao gồm: Critical Thinking – Tư duy phản biện, Communication – Kỹ năng giao tiếp, Collaboration – Kỹ năng hợp tác và Creativity – Kỹ năng sáng tạo. (Partnership for 21st Century Skills, 2011). Các kỹ năng này đã được chấp nhận và sử dụng như là mục tiêu cốt lõi trong các chương trình STEM ở 50 tiểu bang của Mỹ (National Governors Association Center for Best Practices, Council of Chief State School Officers, 2012).

Quan điểm của một số học giả 

Ra đời từ thập kỷ trước, STEM đã luôn là một cách tiếp cận giáo dục hàng đầu, tuy nhiên các học giả đã đưa ra những lời phê bình về STEM trong thực tiễn sau đây: 

Ngày nay, STEM thường bị chê bai là quá buồn tẻ, quá trừu tượng và quá không liên quan, đặc biệt là từ quan điểm của sinh viên (Potvin & Hasni, 2014); Tập trung nhiều hơn vào các môn học STEM có nghĩa là có ít thời gian hơn cho các lĩnh vực khác, chẳng hạn như nhân văn (Ossola, 2014; Zakaria, 2015); Theo quan điểm của chúng tôi, hệ thống giáo dục của Mỹ bị thiếu nghiêm trọng về tầm nhìn và hành động khi nói đến phát triển sự sáng tạo, chính dạy học cấu trúc và thực tiễn của hệ thống giáo dục từ mầm non đến lớp 12 của chúng ta đang làm hạn chế, làm chậm hoặc ngăn chặn trí tưởng tượng, chơi và sự khéo léo sáng tạo trong các ngành (Connery et al., 2010); STEM ngày càng dành ít thời gian hơn trong việc tạo ra các cơ hội khuyến khích sự sáng tạo của người học (Cohen & Waite-Stupiansky, 2013).

Theo Piaget, "Giáo dục nghĩa là tạo ra những con người sáng tạo... Ta phải tạo ra các nhà phát minh, nhà cách tân, không phải những kẻ tuân thủ” (Jean Piaget, 1980).

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự biến đổi về xã hội, về môi trường đang diễn ra từng ngày, từng giờ đi kèm với nó là vô vàn những vấn đề phát sinh: dân số tăng nhanh, già cỗi, toàn cầu hóa, sự tiến bộ vũ bão của công nghệ, biến đổi khí hậu, địa chất, dịch bệnh… các vấn đề này ngày càng phức tạp hơn đòi hỏi con người phải có kỹ năng tư duy sáng tạo để giải quyết chúng, nhưng đào tạo khoa học truyền thống chỉ cung cấp một nền tảng vững chắc về các sự kiện, kiến thức và kỹ năng khoa học cơ bản (Karen W. Lindeman, Michael Jabot & Mira T. Berkley, 2013).

Ian Pearson đã đưa ra dự đoán: "Vào khoảng năm 2040, bộ não của chúng ta sẽ có một bản sao dự phòng được lưu ở đâu đó trong máy tính, vì vậy, khi bạn chết, đó sẽ không phải là vấn đề lớn đối với công việc”.

Từ những lý lẽ đó và hơn thế là từ thực tế đã và đang xảy ra, phần đông các nhà giáo dục ủng hộ rằng để có thể sống tốt trong xã hội tương lai, thế hệ trẻ phải được trang bị các kỹ năng thế kỷ XXI bao gồm sáng tạo, đổi mới và khởi nghiệp.

Nghệ thuật thúc đẩy tư duy sáng tạo

Trong thực tiễn cho thấy, nhiều nhà giáo dục và nhà nghiên cứu vẫn đang trăn trở đi tìm lời giải cho câu hỏi Làm thế nào để kích thích sự đổi mới và tư duy sáng tạo của học sinh trong các lĩnh vực STEM? Các cuộc tranh luận ngày càng tăng và khi nhìn lại dòng lịch sử mọi người đều công nhận rằng nghệ thuật và khoa học là hai lĩnh vực không cạnh tranh, mà chúng còn bổ sung cho nhau. 

Các nhà khoa học, nhà toán học và kỹ sư thừa nhận rằng nghệ thuật rất quan trọng đối với thành công của họ và họ sử dụng các kỹ năng mượn từ nghệ thuật làm công cụ khoa học.

Friedrich Schlegel, một triết gia người đức từng khẳng định: "Nghệ thuật nên trở thành khoa học và khoa học nên trở thành nghệ thuật”.

Hay một câu nói nổi tiếng của Armand Trousseau (1801 - 1867) cũng từng đề cập đến vấn đề này: "Nhà khoa học tồi tệ nhất khi anh ta không phải là một nghệ sĩ, nghệ sĩ tồi tệ nhất khi anh ta không phải là nhà khoa học”.

Ngoài ra, các nhà tâm lý học cũng chứng minh nghệ thuật đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của con người, tăng cường sự phát triển của các con đường nhận thức, cảm xúc và tâm lý trong não. Các kỹ năng mà nghệ thuật phát triển bao gồm sáng tạo, giải quyết vấn đề, tư duy phê phán, giao tiếp, tự định hướng, chủ động và hợp tác.

Theo hướng này, một số công trình nghiên cứu đã ra đời nhằm chứng minh rằng nghệ thuật nên được thêm vào STEM để trở thành STEAM nhằm thúc đẩy tư duy sáng tạo của người học trong giải quyết các vấn đề thực

Điển hình như, Georgette Yakman người đầu tiên đã đề xuất mô hình giáo dục STEAM tại hội nghị khoa học về giáo dục công nghệ tại Mỹ. Theo bà, yếu tố nghệ thuật trong STEAM bao gồm nhiều lĩnh vực, không giới hạn các nghệ thuật khai phóng. Ở đó các hoạt động sáng tạo và sự tự do về mặt tư tưởng được diễn đạt bằng nhiều hình thức: mỹ thuật, ngôn ngữ, âm nhạc, triết học, thể chất, xã hội học. (Yakman, 2008);



Theo Wynn và Harris, tích hợp nghệ thuật và nhân văn vào STEM là điều cần thiết cho sự đổi mới vì nó cung cấp một cách hấp dẫn và đa chiều để nhìn thế giới, tăng cường kết nối giữa toán học và khoa học trong các ứng dụng thực tiễn (Wynn và Harris,2012);

Tại Mỹ, John Maeda - hiệu trưởng của Trường Thiết kế Rhode Island được cho là người dẫn đầu phong trào chuyển đổi STEM sang STEAM. Theo ông, chỉ các môn học STEM sẽ không dẫn đến kiểu đổi mới ngoạn mục mà thế kỷ XXI đòi hỏi, sự đổi mới chỉ có được khi chúng ta biết phát huy sức mạnh của tư duy phân kỳ (convergent thinkers) chứ không chỉ là tư duy hội tụ (divergent thinkers) và chính nghệ thuật sẽ giúp chúng ta làm điều đó thông qua tư duy thiết kế và tạo ra các giải pháp sáng tạo (Maeda, 2013).

Trích Luận văn Thạc sĩ khoa học giáo dục của tác giả Lương Thị Yến Linh.

https://dlib.hcmue.edu.vn/handle/SPHCM/21822 

LINH, Lương Thị Yến. Dạy trẻ 5-6 tuổi khám phá khoa học theo STEAM tại trường mầm non tư thục Thỏ Nâu, thành phố Hồ Chí Minh: Luận văn Thạc sĩ Khoa học giáo dục chuyên ngành Giáo dục học (Giáo dục mầm non). 2022. PhD Thesis. Trường ĐHSP Tp. HCM.

Yến Linh - Yến Anh






Hotline: 08 98 130 146
Zalo: 08 98 130 146
Facebook messenger